Nhằm bổ sung, hoàn thiện đề án tái cấu trúc Tập đoàn Sông Đà - Cty mẹ Tập đoàn CNXDVN, vừa qua Bộ Xây dựng đã có cuộc họp với lãnh đạo Tập đoàn Sông Đà và các đơn vị thành viên là: TCty Sông Hồng, COMA, LICOGI, DIC.
Theo báo cáo của Tập đoàn, chương trình tái cấu trúc DN đã tiếp tục khởi động từ năm 2008 thông qua Chương trình cải cách DNNN của Bộ Tài chính. Tập đoàn đã được lựa chọn tham gia Chương trình cải cách DNNN và hỗ trợ quản trị Cty được sử dụng nguồn vốn vay ADB 124,133 triệu USD trên cơ sở Hiệp định Khung Chương trình cải cách DNNN và hỗ trợ quản trị Cty được ký kết giữa Việt Nam và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) với nguồn vốn vay ưu đãi 630 triệu USD.
Yêu cầu đặt ra trong quá trình thực hiện tái cấu trúc Tập đoàn CNXDVN là bảo đảm tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao thế mạnh của Tập đoàn để có điều kiện trở thành tập đoàn mạnh trong khu vực. Hiện với nhiều đầu mối đơn vị có ngành nghề gần tương đồng, lại phân tán trải rộng theo điều kiện địa lý nên khả năng cạnh tranh chưa cao. Hơn nữa trong lĩnh vực đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa đạt yêu cầu.
Ông Dương Khánh Toàn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CNXDVN cho biết, nội dung trọng tâm của đề án là sự cần thiết phải thành lập các TCty chuyên ngành. Hiện Cty mẹ đang quản lý điều hành cùng lúc nhiều dự án nên hiệu quả sản xuất không cao, thêm vào đó các Cty con trực thuộc Tập đoàn đều kinh doanh đa ngành nên không có thế mạnh. Do đó việc tái cấu trúc là yêu cầu cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh. Tại cuộc họp lấy ý kiến đóng góp, các đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng và các cục, vụ, viện cũng mạnh dạn thẳng thắn góp kiến vào những mặt còn tồn tại, những định hướng mà Tập đoàn cần tập trung cho thời gian tới. Phương án được đồng tình cao là thoái vốn ở các đơn vị hoạt động không hiệu quả, bên cạnh đó là tăng tỷ lệ cổ phần ở các đơn vị hoạt động hiệu quả.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, sau hai năm đi vào hoạt động, Tập đoàn CNXDVN đã thể hiện vai trò hàng đầu trong thị trường xây lắp tại Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đất nước. Tuy nhiên do phát triển mạnh theo cơ chế thị trường nên Tập đoàn vẫn chưa thể hiện được vai trò chủ đạo của mình, còn lúng túng trong việc xác định lĩnh vực kinh doanh chính. Để tiếp tục phát triển, Tập đoàn cần khắc phục những tồn tại, bất cập để xây dựng thành Tập đoàn mạnh trong lĩnh vực xây dựng. Việc tập trung vào các DN chuyên ngành: Thi công xây lắp, cơ khí xây dựng, sản xuất công nghiệp, kinh doanh nhà và BĐS. Với mô hình chuyên sâu sẽ tăng cường hiệu quả hoạt động, tăng cường vai trò tự chủ cho các đơn vị thành viên.
Nguồn: Bộ xây dựng